Danh mục sản phẩm
Thông tin thị trường
Hổ trợ trực tuyến


Thống kê
Truy cập 0036876
Online 0000009
Wellcome to botgaosadec.com
Món ngon
Hủ tiếu Sa Đéc = Hủ tiếu gạo
Ngày đăng: 2010-09-21 08:47:18

Sa Ðéc - Khi nói về hủ tiếu, mọi người thường nhắc đến hai “thương hiệu” nổi tiếng, là “Hủ tiếu Nam Vang” và “Hủ tiếu Mỹ Tho.” Từ lâu, địa danh Sa Ðéc, Ðồng Tháp, không chỉ được biết đến là vùng chuyên canh hoa kiểng lớn của miền Tây, mà hơn ba mươi năm qua “Hủ tiếu Sa Ðéc” đã có một vị trí đặc biệt trong lòng người sành thưởng thức.

 

Hủ tiếu là món ăn rất phổ biến ở miền Nam, đến nay không ít người vẫn còn nghĩ rằng hủ tiếu xuất xứ ở Nam Vang. Kỳ thực, món “bánh sợi” này, theo lời nhiều người, được khai sinh ở tận... Trung Hoa. Sau khi “quá cảnh” ngang Cambodia một thời gian, hủ tiếu mới vào Việt Nam. Tuy là món ăn “ngoại nhập,” hủ tiếu ngày nay đã được “Việt hóa” thật độc đáo và đa dạng, trở thành món đặc sản của Việt Nam.

Tuy bánh hủ tiếu đều được làm bằng bột gạo, tùy vào mỗi nơi mà sợi bánh hủ tiếu khác nhau, chính điều này đã tạo nên sự khác biệt. Và sự khác biệt, riêng biệt, độc đáo của hủ tiếu Sa Ðéc so với những món hủ tiếu khác chính là ở phần bánh.

Sợi bánh hủ tiếu Sa Ðéc mềm mà không bở cũng không quá dai, không có vị chua, “hậu” ngọt, sợi bánh có màu trắng sữa tự nhiên của gạo. Ngày nay, bánh hủ tiếu Sa Ðéc đã được tiêu thụ khắp các chợ lớn nhỏ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long với cái tên gọi ngắn gọn “hủ tiếu gạo.”

Theo những người lớn tuổi ở Sa Ðéc kể lại, từ đầu những năm 70, ở Sa Ðéc có các quán hủ tiếu nổi tiếng là Quán chú Cá, quán Chí Thành, quán Lãnh Nam (đường Trần Hưng Ðạo). Còn tại Sài Gòn, hủ tiếu Sa Ðéc được biết đến từ khoảng năm 1973, do một nữ nghệ sĩ lấy sinh quán và thứ của mình làm nghệ danh là Bà Năm Sa Ðéc. Quán hủ tiếu của bà Năm Sa Ðéc nằm ở góc đường Nguyễn Tri Phương-Hùng Vương, quán được bài trí “đậm” phong cách Nam bộ với tre và lá. Dù quán tại Sài Gòn, hằng ngày bà Năm vẫn lấy bánh hủ tiếu từ làng bột Tân Phú Ðông (Sa Ðéc) mỗi ngày do cánh xe đò Sa Ðéc-Sài Gòn chuyển tới. Có thể nói, với hủ tiếu Sa Ðéc, bánh hủ tiếu Sa Ðéc đã làm nên... hủ tiếu Sa Ðéc!

Ngày nay, hủ tiếu Sa Ðéc được bày bán khắp thị xã Sa Ðéc, từ các quán bình dân vỉa hè cho đến các quán sang trọng. Nếu đến Sa Ðéc vào buổi sáng, người ta có thể “ghé đại” vào bất cứ một quán hủ tiếu “lóc cóc” ven đường (quốc lộ 80) để thưởng thức một tô hủ tiếu Sa Ðéc vừa ngon vừa rẻ, chỉ 4,000-5,000 đồng một tô. Ðặc biệt, ở những quán chuyên bán phở như “Phở Hiền” ở Sa Ðéc cũng có hủ tiếu, ngon tuyệt ! Tuy nhiên, một tô hủ tiếu ở đây có giá gấp đôi so với một quán ven đường; do nhiều tôm, thịt và lòng heo hơn.

Sau những lần “ghé đại” hơn 10 điểm bán hủ tiếu ở Sa Ðéc, tôi nhận ra một điều khác lạ, không chỉ khác lạ so với các quán hủ tiếu của những thương hiệu nổi tiếng khác mà còn khác lạ so với tất cả các quán ăn khác, là “với hủ tiếu Sa Ðéc, mọi người luôn thưởng thức đến muỗng cuối cùng, chẳng ai bỏ mứa, dù chỉ là phần nước lèo còn lại ít ỏi dưới đáy tô.”

Không chỉ đặc biệt ở phần bánh, tô hủ tiếu Sa Ðéc ngon và giữ được miệng thực khách khó tính là nhờ phần nước lèo được nấu bằng xương ống heo, ngọt tự nhiên. Theo những người rành về hủ tiếu: “Nước lèo của hủ tiếu Sa Ðéc được nấu từ xương ống heo nên ngọt tự nhiên. Ở đây (Sa Ðéc) không ai dùng đến bột ngọt. Uy tín và danh tiếng của hủ tiếu Sa Ðéc là đây !”

Trao đổi về bí quyết để có nước lèo luôn trong, ngọt tự nhiên, không bị mặn khi “sắc xuống,” bà Mỹ Ngọc, chủ quán hủ tiếu Mỹ Ngọc khá nổi tiếng ở thị xã Sa Ðéc cho biết: “Nồi nước lèo được nấu hoàn toàn bằng xương ống heo nên nước rất ngọt, không cần phải thêm bột ngọt, tuy nhiên để nước lèo luôn trong và thơm thì phải biết canh lửa, giữ lửa sao cho khéo, phải hớt bọt đều tay!”

Quán của bà Mỹ Ngọc tuy mở cửa suốt ngày nhưng đến đây vào bất cứ lúc nào tô hủ tiếu bưng ra cũng luôn thơm phức và ngon không khác gì so với tô hủ tiếu “mở hàng” đầu ngày.

Dù ăn hủ tiếu xương hay thịt; khô hay nước, hủ tiếu Sa Ðéc vẫn ngon và độc đáo. Ngoài những miếng xương thịt mềm vừa ăn, những miếng lòng heo với bao tử, tim, gan, phèo... đều mới “ra lò” đã được chế biến công phu nên tất cả đều thơm, giòn, mềm vừa ăn.

Ở một tô hủ tiếu Sa Ðéc “sang” hơn thì có thêm thịt bạc băm, những con tôm sú đã được bóc vỏ sẵn nhưng không bở mà lại rất ngọt cùng những miếng chả cá thác lác chiên vàng ươm, thơm phức. Ðiểm xuyết nét đẹp mắt và ngon thơm hơn cho tô hủ tiếu Sa Ðéc có hành lá nhuyễn, mấy cọng ngò rí. Các loại rau ăn kèm trong món hủ tiếu Sa Ðéc là giá, hẹ, xà lách, cần tây, chanh, ớt. Ðặc biệt, keo tỏi và ớt hiểm ngâm giấm ở các quán Sa Ðéc luôn làm người ăn bị “nghiện,” các chủ quán đều cho biết khách đến ăn đều hỏi cách “ngâm giấm.” Dù chủ quán đã chỉ hết “bí quyết,” theo lời nhiều người, khách về nhà ngâm hoài mà vẫn không sao làm được món “ngâm giấm” ngon bằng quán.

Riêng tôi, tôi nghĩ thầm: “Chắc gì đã hết bí quyết?!” vì tôi đã từng về nhà làm thử vài lần... thấy cũng ngon “ra phết.”

Tại quán Mỹ Ngọc, tôi đã gặp nhiều thực khách đến từ rất xa, có người từ Cần Thơ, An Giang qua, có người tận trên Sài Gòn xuống, tôi chưa kịp hỏi gì thì đều nhận được những cái gật đầu khen: “Rất ngon! Có dịp đi ngang Sa Ðéc là phải ăn cho được... hai tô hủ tíu mới thôi!”

(Thu Hiền - Báo NVOL)

Các tin cũ hơn