Danh mục sản phẩm
Thông tin thị trường
Hổ trợ trực tuyến


Thống kê
Truy cập 0036866
Online 0000003
Wellcome to botgaosadec.com
Tản mạn
LỊCH SỬ THƯƠNG HIỆU BỘT BÍCH CHI
Ngày đăng: 2010-09-21 11:11:55

Kỳ cuối: Gia tài để lại cho con

SGTT - Cuộc đời không ít gian truân, ông Trần Khiêm Khánh đã cống hiến hết trái tim, khối óc cho bột Bích Chi, một sản phẩm của tình yêu thương. Người vợ hiền hơn 50 năm đồng cam cộng khổ, sáu người con gái đã thành đạt, gia đình đề huề và một đàn cháu ngoại ngoan ngoãn. Ông chẳng có gì quý giá để lại cho con ngoài tấm gương sống có tâm và thanh sạch.

Chị Bích Chi, con gái ông Tư Khánh. Từ ý tưởng ban đầu chế biến thức ăn cho con, ông Tư Khánh đã làm nên thương hiệu mang tên con gái Bích Chi.

Bà Đinh Ngọc Điệp luôn dùng những từ ngọt ngào nhất để nói về chồng, ông Tư Khánh: “Anh ấy…” hay “Ảnh…”. Bà nói: “Ảnh cưng vợ con lắm. Bản thân ảnh sống rất đơn giản, khi cực khổ thì nhịn cho vợ con ăn, khi sung túc cũng không bao giờ nghe ảnh đòi hỏi sắm sửa gì. Ảnh say mê với nhà máy, nên nói tôi sắm ít nữ trang để có đeo đi tiệc thôi, còn tiền có bao nhiêu đều gom để làm vốn. Khi giao nhà máy cho Nhà nước, tiền lương hai vợ chồng không đủ, tôi phải bán nữ trang nuôi con ăn học. Nhà máy xây trên đất nhà nhưng hiến cho Nhà nước rồi. Khi sản xuất phát triển, nhà máy trở nên chật chội, mới dời ra khu đất rộng năm mẫu của gia đình, nền nhà máy cũ vẫn thuộc sở hữu nhà nước. Nghe người ta kêu bán khu nhà máy cũ mà mình đã hiến, ảnh mới xin mua nhưng cũng phải nhờ vài người can thiệp mới mua được và trả góp trong nhiều năm. Ảnh nói cố gắng mua lại để giữ kỷ niệm của cha mình. Tôi hiểu chồng nên không trách gì ảnh, “có đức không sức mà ăn”, tôi thấy mình không có của cải dư dả, nhưng con cái đều thành đạt. Với tôi, quý nhất là tình cảm gia đình, chồng thương mình là hạng nhất rồi còn gì. Tôi đi là nhớ ảnh, trông cho mau về. Ảnh cũng vậy. Tôi lên Sài Gòn thăm con, đi vài bữa là ảnh nhớ, nói khéo “nhà vắng vẻ quá, em định chừng nào về?”, nghe thương lắm!”

Thương chồng chưa thoả ước nguyện

Ông bà cưới nhau năm 1956, sống ở Sài Gòn đến 1964, vợ chồng đưa con gái đầu lòng về Sa Đéc trông nom nhà thờ (cha ông Tư Khánh qua đời trong thời gian ông bị địch bắt giam), rồi sau mới mở nhà máy sản xuất bột. Bà Điệp đã gắn cuộc đời mình với quê chồng gần nửa thế kỷ. Bà là thợ may, nhưng nấu ăn rất khéo. Khi ông sản xuất bột, bà là người thử nghiệm các loại bột bằng cách chế biến món ăn. Chị Bích Chi nhớ: “Ba thường mời cơm khách tại nhà chứ không ra quán và khách luôn nhắc đến các món mẹ nấu. Đặc biệt, xúp bột gạo lứt Bích Chi là món không thiếu trong các bữa đãi khách. Ba luôn tự hào về sự khéo tay của mẹ”.

Bà Điệp mong chồng sống thanh thản, vui thú điền viên, nhưng bà không thể ngăn ông thôi suy nghĩ về nhãn hiệu bột Bích Chi và làng nghề bột gạo Sa Đéc.

Ông Khánh và bà Điệp có sáu người con gái, mỗi người đều đang lặng lẽ thu thập, ghi chép những thông tin, hình ảnh liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của ba mẹ mình. Trong mắt các con, ông Tư Khánh là một tấm gương ham học hỏi, tiết kiệm, biết đối nhân xử thế và sống thanh bạch. TS.BS Trần Thị Minh Hạnh (con gái thứ ba của ông) cho rằng ba chị đã đi đúng xu hướng mà sau này nhiều người mới quan tâm đến là dùng nông sản đưa vào chế biến thực phẩm, rồi ngày càng cải tiến, nâng chất lượng dinh dưỡng và tiến đến sản xuất thực phẩm chức năng. Nếu ông vẫn tiếp tục quản lý nhà máy Bích Chi thêm vài năm nữa thì có lẽ ông sẽ hoàn thiện mô hình nông nghiệp – thực phẩm – dinh dưỡng (vì vào thời gian đó, nhà máy bột Bích Chi được chọn tham gia chương trình PAM 2651 để sản xuất bột ăn giặm cho trẻ – là dự án viện trợ quốc tế lớn đầu tiên của PAM viện trợ cho nước ta trong thời kỳ đất nước bị cấm vận, nhằm phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em Việt Nam).

Người luôn nghĩ trước…

Trong những dòng ghi chép chưa trọn vẹn về ông Tư Khánh, chị Minh Hạnh ghi: “Ba không học đại học, toàn đọc sách mà làm nên, trong khi mấy chị em được cho học tới nơi tới chốn nhưng ứng dụng tri thức không bằng. Chính vì đam mê nghiên cứu nên ba quý người trí thức, trọng người tài. Ba không màng chức vụ, mà quá nặng trách nhiệm chung. Tôi nhớ có lần ba họp các con lại rồi nói ba làm giám đốc, nếu ba ký một hợp đồng sai nguyên tắc thì ba có tiền nhưng các con có đồng ý để cho ba sống trong sạch và chịu khổ cùng với ba không? Chúng tôi kể chuyện này ra có thể mọi người không tin, bảo ba tôi sống không thực tế. Chị em tôi không nghĩ ba như vậy là không hợp thời, mà rất tự hào. Chúng tôi là con giám đốc nhưng không sung sướng gì hơn người khác. Thời đi học đại học, chúng tôi được ở nhờ chỗ cửa hàng phân phối của nhà máy ở Sài Gòn là tốt lắm rồi. Ba đăng ký cơm cho cả nhà ăn ở bếp tập thể của nhà máy. Thời thiếu gạo, ăn độn, chị em tôi cũng biết ăn bo bo như mọi người. Mẹ hiểu ba nhưng mẹ cũng sốt ruột lo cho con cái. Có những khi mẹ khó xử vì trong nhà thiếu thốn, không có tiền cũng làm cho ba khổ tâm. Ngày trước vào chủ nhật, chúng tôi thấy ba ít khi ra ngoài mà ở trong phòng tịnh tâm, để thiền, và để suy nghĩ những việc làm được và chưa được, và vạch ra hướng giải quyết. Ba luôn nghĩ đến mọi người hơn bản thân mình, nhưng sự biểu hiện bên ngoài của ba khiến người khác dễ hiểu lầm và khó gần. Công nhân rất sợ ba bởi ông không cho phép ai nói chuyện trong giờ làm việc. Thấy mọi người tụm năm, tụm ba, ba rầy ngay".

Có một chuyện nho nhỏ mà các con ông Tư Khánh hay kể là chuyện tài xế đi công tác với ông. Trên đường đi, ông bảo tài xế xuống ăn uống cho no và tỉnh táo, còn ông ngồi chờ trên xe, lấy lương khô và nước lạnh ra dùng. Tài xế sợ không dám dừng ăn uống, nhưng ông bảo cứ làm theo vì có tỉnh táo mới lái xe được. Mặc dù có tiêu chuẩn công tác phí, nhưng đi công tác, ông luôn tranh thủ về trong ngày, hạn chế ăn uống ngoài đường vì lý do “mọi người còn khổ, mình không được phép phung phí”.

Trong ký ức của chị Tâm Nhàn: “Ba nhiều ý tưởng nhưng các con không nắm bắt được. Ba luôn hy vọng con nối nghiệp, nhưng không ép con theo nghề mình. Ba tôn trọng quyết định chọn lựa nghề nghiệp riêng của mỗi đứa con. Tôi cảm nhận nỗi khổ tâm của ba vì chị em không gánh vác được công việc tâm huyết chưa hoàn thành của ba. Đến giờ ba vẫn còn mê nghề bột. Đi đâu ba cũng ăn thử bột gạo của các nơi, ba nói họ chỉ hơn mình nhãn hiệu đẹp, chứ chất lượng không bằng. Còn tôi, đi đâu thấy gì liên quan đến bột thì cũng hay mang về cho ba xem”.

bài và ảnh: Các Ngọc

Các tin cũ hơn