Truy cập | 0036832 |
Online | 0000012 |
SGTT - Không còn được chăm sóc “bột Bích Chi”, ông Trần Khiêm Khánh luôn an ủi vợ con rằng chuyện gì qua rồi thì không nên nuối tiếc nữa. Ông đặt hết tâm lực cho nghề làm bột gạo chất lượng cao, ước mong một ngày nào đó, đi đâu cũng được nghe danh tiếng “làng bột gạo Sa Đéc”.
Từ nhỏ, ông Tư Khánh đã thấy có làng bột Sa Đéc. Làng tồn tại đã ngót trăm năm. Lúc hưng thịnh, có trên 1.000 hộ sản xuất, nay chỉ còn khoảng 600 hộ gắn bó với nghề, mỗi ngày cung ứng trên 20 tấn bột cho công ty cổ phần thực phẩm Bích Chi và công ty thực phẩm Hòa Hưng. Với 70 doanh nghiệp lau bóng gạo, nguồn nguyên liệu bột ở đây thật dồi dào.
Khi nhà máy bột gạo lứt Bích Chi đi vào sản xuất ổn định, đầu ra tương đối tốt, ông Tư Khánh lại ôm ấp ước muốn lập hệ thống phân phối bột gạo. Năm 1970, ông tập hợp một số anh em lập hợp tác xã (HTX) Cửu Long Giang. Nhờ bột Bích Chi có thị trường, nên bột gạo của HTX phát triển nhanh theo hệ thống phân phối bột Bích Chi. Ông phân thành ba loại bột gạo: bột ngang (nguyên chất xơ) để làm bánh giòn như bánh xèo, bánh cống; một loại nửa ngang nửa lọc (lấy bớt chất xơ) để làm bánh hấp, bánh luộc như bánh canh, bánh lọt; một loại đặc biệt (tinh bột không chất xơ) để làm bánh bò. Bột nếp có hai loại: bột ngang và bột lọc. Lúc bấy giờ, bột gạo ngang, ông lấy hiệu Con Cò; bột nửa ngang nửa lọc hiệu Thủy Tiên; bột làm bánh bò hiệu Hồng Nhung,...
Năm 1976, cả nước thiếu gạo, bộ Công nghiệp thực phẩm yêu cầu ngưng không sản xuất bột nữa, HTX Cửu Long Giang giải thể. Làng bột điêu đứng.
Ông Tư Khánh thêm một nỗi buồn giã biệt sản phẩm làng nghề từ hạt gạo mà mình yêu thích. Ông kể tiếp: “Năm 1990, tôi cùng một số người lập HTX Châu Long làm bột gạo công nghiệp. Bột tốt có thể để 1 – 2 năm, nhưng HTX sống vất vả vì bột làm thủ công giá rất rẻ”. HTX bước đầu gian nan, ít vốn, làm chưa có lời, muốn cầm cự để thị trường tiêu thụ tăng thì phải thêm vốn. Xã viên đâu có nhiều tiền, vay vốn không được, ông Tư Khánh đem nhà cửa thế chấp để tiếp tục đầu tư. Ông tâm sự: “Lỡ leo lên lưng cọp rồi thì phải xuống có trật tự, dẫu sao cũng mừng là tạo lập được thị trường, đã xuất được bột qua Đài Loan”.
Xã viên HTX Châu Long không đủ kiên nhẫn chờ sự thịnh vượng nên rút dần ra khỏi HTX. Ông Tư Khánh phải lo hoàn lại vốn cho xã viên, rồi tự mình làm. Chất lượng bột gạo của ông được công ty Nestlé chấp nhận. Sau nhiều lần kiểm tra cơ sở sản xuất, kiểm tra vi sinh, Nestlé đặt hàng với số lượng lớn. Theo ông Tư Khánh, khó nhất đối với đơn hàng lớn là sấy. Kỹ sư Trần Phước Lộc là người nghiên cứu chế tạo máy sấy cho ông. Ông giữ kỹ bí quyết công nghệ và không ngừng nghiên cứu những khiếm khuyết của công nghệ sấy để hoàn thiện khâu thành phẩm luôn đạt chất lượng tốt.
Làm lại từ đầu trong hoàn cảnh thiếu vốn, cạnh tranh thị trường ngày càng khốc liệt, nhưng ông vẫn duy trì sản xuất liên tục đến năm 2007, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu bột gạo ra nước ngoài. Ông chứng minh tiềm năng của làng nghề nếu được đầu tư đúng mức. Lúc này, ông đã 79 tuổi, sức lực ngày càng yếu, các con gái đều có sở nguyện riêng nên không ai nối nghiệp. Nghe theo lời khuyên của vợ con, ông đồng ý nghỉ hưu lần nữa nhưng phải tìm được người vừa ý để chuyển giao lại bí quyết công nghệ mà ông gìn giữ gần 20 năm. Cuối cùng, ông đã tìm được người mà ông có thể đặt niềm tin sẽ kế tục ông phát huy kỹ thuật làm bột công nghiệp và cùng có tâm huyết với làng nghề bột gạo như ông.
Vợ chồng anh Bùi Hữu Lộc gắn với làng nghề bột gạo hơn 20 năm. Trước đây, anh Lộc chỉ mua bán và từng là mối hàng của ông Tư Khánh. Anh Lộc cho biết, người ta bắt đầu dùng bột gạo Sa Đéc để làm nhiều loại thực phẩm khác khoảng 15 năm nay. Hiện anh cung cấp bột gạo cho công ty Vifon sản xuất các loại bún, miến ăn; Vĩnh Thuận làm các loại bột làm bánh, các lò bánh tráng ở Phú Hòa Đông, Củ Chi, các cơ sở làm kẹo ở miền Tây và TP.HCM, các cơ sở làm bánh phở ở Hà Nội. Bột Sa Đéc đã xuất sang Úc, Mỹ, Pháp, Đài Loan, Campuchia…
Anh Bùi Hữu Lộc rất nể ông Tư Khánh vì năng lực làm việc, sự say mê nghiên cứu, học hỏi. Nhiều người hỏi mua công nghệ và thiết bị máy móc của ông Tư Khánh, trả giá rất cao, nhưng vốn không mong bán xưởng để lấy tiền, mà mong có người tiếp tục thực hiện ý nguyện của ông, làm cho làng nghề bột Sa Đéc phát triển. Ông không chỉ chuyển giao cho anh Bùi Hữu Lộc toàn bộ máy móc, công nghệ mà cả một lực lượng công nhân lành nghề. Bởi thế, anh Lộc thấy mình như “Còn mắc nợ bác Tư Khánh một lời hứa…”
Nghe kể về tâm tư của anh Lộc, ông Tư Khánh nở nụ cười: “Tôi hy vọng mình không nhìn lầm người”. Ông khen anh Lộc thông minh, nhạy bén, biết cách quản lý và có tâm. Đã có người kế nghiệp, nhưng ông Tư Khánh vẫn đau đáu một thương hiệu cho làng nghề. Ông tâm sự: “Theo tôi bột mì có thể bán khắp thế giới được thì bột gạo cũng có thể được người ta sử dụng như vậy. Ta cử các chuyên gia sang các nước dạy họ làm bánh. Tôi đề nghị với tỉnh nên đầu tư cho làng nghề, có một cơ quan đại diện thương mại cho làng nghề đặt tại TP.HCM để lo chuyện kinh doanh. Còn phương thức sản xuất của làng nghề thì nên quy chuẩn hóa, Nhà nước hỗ trợ ban đầu để các hộ làng nghề đầu tư, có thị trường vững vàng. Có thể tập hợp những tay làm bánh khéo để quảng bá, đừng cho mai một nghề làm bánh bằng bột gạo. Ở Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc… họ đã làm bánh bích quy bột gạo, bánh xốp bột gạo. Tỉnh Đồng Tháp hay thị xã Sa Đéc chỉ mới nhìn bột gạo như sản phẩm xóa đói giảm nghèo, chưa thấy đây là sản phẩm thị trường. Bây giờ dù đã muộn nhưng vẫn còn kịp, nếu có những giải pháp tích cực; tôi e ngày nào đó làng nghề bột gạo Sa Đéc lại ngậm ngùi như nước mắm Phú Quốc”.
Kỳ một: Bột Bích Chi ra đời từ tình thương
Kỳ cuối: Gia tài để lại cho con