Danh mục sản phẩm
Thông tin thị trường
Hổ trợ trực tuyến


Thống kê
Truy cập 0036822
Online 0000003
Wellcome to botgaosadec.com
Tản mạn
Làng nghề bột gạo Sa Đéc
Ngày đăng: 2010-09-21 09:23:09

LTS: Nơi cung cấp bột gạo đi khắp Việt Nam và xuất khẩu, ít ai biết là một vùng làng nghề cha truyền con nối, ít nhất đã bốn thế hệ, khởi nguồn từ xã Tân Phú Đông, thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp. Làng nghề qua cả trăm năm đã mở rộng gần như khắp các phường, xã ở Sa Đéc và sang các xã lân cận thuộc huyện Châu Thành.

Bài 1: Cả làng sống nhờ bột

SGTT.VN - Những người lớn tuổi nhất hiện sống ở thị xã Sa Đéc đều không rõ xóm bột đầu tiên nằm giữa rạch Ngã Bát và rạch Ngã Cạy, thuộc xã Tân Phú Đông hình thành từ bao giờ. Tuổi làng nghề được tính bằng một công thức dân gian: cộng tuổi của bốn thế hệ nối tiếp nghề truyền thống.

Ký ức về tiền nhân

 

Các hộ làm bột gạo cải tiến cách lắng, lọc bột. Ảnh: Các Ngọc

Ông Lưu Thái Bình (Tư Bình) ấp Phú Thuận, xã Tân Phú Đông năm nay 73 tuổi, nhớ như in hình ảnh mẹ mình là bà Phạm Thị Kỉnh (sinh 1914) ngày nào cũng thức từ bảy giờ tối tới bốn giờ sáng. Công việc của bà là xay bột gạo, tráng hủ tíu, gánh ra chợ bán. Nghề này bà Kỉnh học từ mẹ chồng là bà Lưu Thị Đa. Hủ tíu mà bà Đa cho đến bà Kỉnh làm là hủ tíu bột ngang. Bột ngang làm đơn giản nên thường nhà nào làm hủ tíu đều tự làm bột được. Ông Tư Bình nghe nói lại rằng cùng thời bà Đa có bà Ba Được là người làm bột gạo lọc đầu tiên. Bà Ba Được mỗi ngày làm một, hai thúng bột lọc, gánh ra chợ bán cho những người mua về gõ bánh canh hoặc làm bánh. Chiếu theo độ tuổi của bà Đa và bà Ba Được, có thể nói làng bột gạo đã tồn tại hơn một trăm năm.

Làm bột gạo lọc cực hơn làm bột gạo ngang, nhưng bột gạo lọc có thể dùng chế biến nhiều món ăn nên nhiều người bắt chước làm bột gạo lọc. Ông Bình nhớ hồi xưa, nhà nào làm bột gạo lọc cũng có chày và cối đá. Lúc đầu, thường có ba người cầm ba chày cùng quết vào một cối bột (chày ba), đúng 300 chày là bột vừa ngon. Sau đó, dân làng cải tiến một thân chày nhưng phía dưới chẻ thành ba nhánh, chỉ cần một người quết một cối. Để đỡ mất sức, người ta lại chế ra chày đạp.

Làm bột sống nhờ chăn nuôi

Các thương nhân thu mua đều khẳng định bột gạo Sa Đéc ngon nhất, dù là bột ngang hay bột lọc, không chỉ các cơ sở chế biến thực phẩm trong tỉnh Đồng Tháp sử dụng, mà hầu hết doanh nghiệp lớn ở TP.HCM và các tỉnh đều đặt hàng.

Mọi người lý giải nguồn nước ngọt đặc biệt quanh vùng, độ pH = 7 trung tính, là lợi thế trời cho làm bột ngon. Đi ra khỏi vùng Sa Đéc này khoảng chừng mười cây số thôi là làm bột không ngon bằng rồi. Một lợi thế khác là giá tốt, nhờ nằm ngay vùng lúa gạo trù phú, nguyên liệu sẵn có từ gần 70 nhà máy xay xát gạo tại Sa Đéc.

Bột gạo hồi xưa làm từ gạo, nhưng mấy chục năm nay làm bằng tấm vì giá rẻ hơn, xay nhanh hơn. Khoảng ba, bốn giờ sáng, bến tấm ở gần cầu Ngã Bát, xã Tân Phú Đông ghe thuyền chở tấm tụ về. Theo các chủ ghe, mỗi ngày ở Sa Đéc tiêu thụ khoảng 100 tấn tấm, huyện Châu Thành khoảng 50 – 60 tấn.

Tính tổng cộng hiện có hơn 1.000 hộ gia đình ở hai bên sông Sa Đéc sống ổn định bằng nghề làm bột. Nếu mỗi ngày thưởng thức một món ăn từ bột gạo, thì cả năm vẫn chưa hết món.

Anh Nguyễn Văn Dũng ở ấp Phú Thuận, xã Tân Phú Đông nhớ hồi trước làm bột cực hơn bây giờ, cứ khòm lưng vào múc, hớt nước từ lu nọ qua lu kia để lấy được 100kg bột đã muốn vẹo lưng. Kỹ thuật, thiết bị làm bột đến nay được cải tiến, vo tấm, xay tấm, đánh bột, bơm bột và nước lên hồ lắng đều bằng máy. Hồ lắng, hồ lọc lấy bột tinh chỉ cần mở van xả nước. Mỗi ngày, nhà làm ít nhất cũng 100kg tấm, được 100kg bột tươi hoặc 70kg bột khô, không cần thuê nhân công.

Các doanh nghiệp chế biến thực phẩm và thương lái hiện thu mua bột tươi giá 4.500 – 5.000 đồng/kg, bột khô giá 7.500 – 8.000 đồng/kg. So sánh với giá tấm 5.200 đồng/kg, cộng thêm công bốc vác, tiền điện, chưa tính công thì giá thành một ký bột đã bằng giá bán. Thấy chúng tôi thắc mắc “chẳng có được lấy công làm lời nữa?”, anh Dũng giải thích: “Làm bột huề vốn là tốt lắm rồi, nhiều khi giá tấm nhảy theo giá gạo thì còn lỗ. Gia đình làm bột nào cũng sống nhờ nuôi heo. Cứ ba, bốn tháng gả một lứa heo thì có tiền sắm sửa, để dành. Biết tằn tiện thì đeo hoài cũng có ngày khá giả”.

Hai vợ chồng anh Dũng làm mỗi ngày 170 – 200kg bột, bỏ mối cho mấy lò bún ở thị xã Sa Đéc và bán cho lái mua bột ướt. Toàn bộ bột cặn và nước bột lọc được dùng nuôi heo, không tốn tiền mua cám, thức ăn chi cả. Chị Thanh, vợ anh Dũng dẫn chúng tôi ra phía sau nhà xem mấy chuồng heo có gần 50 con, mỗi chuồng là một lứa. Chị nói gả lứa này là phải có lứa khác vô chuồng ngay, nên gần như tháng nào cũng có tiền.

Các xóm bột gạo ở thị xã Sa Đéc và huyện Châu Thành mỗi ngày đang cung ứng cho thị trường khoảng 120 – 150 tấn bột tươi và khô. Tuy nhiên, đầu tháng 8 này giá gạo tăng làm giá tấm tăng 6.200 – 6.300 đồng/kg, trong khi giá bột không phải muốn tăng là được.

Nhà nào cũng mong đàn heo mạnh giỏi để cuối năm có tiền sắm tết. Nhưng nay, ai nấy lo lắng vì đang có dịch heo tai xanh...

bài và ảnh: Các Ngọc

Kỳ tới: Mong mỏi có thương hiệu bột gạo Sa Đéc

Các tin mới hơn